(VTC News)
Mùa tuyển sinh đại học hàng năm, khoa Thiết kế mỹ thuật, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký vào 3 chuyên ngành.
Đó là 3 chuyên ngành: Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang và Điêu khắc ứng dụng.
Sinh viên “tỏa sáng” tại các show diễn lớn
Hàng năm, sinh viên khoa Thiết kế mỹ thuật luôn có nhiều cơ hội cọ sát tại các “giải đấu” lớn, triển lãm quy mô khu vực, quốc gia và quốc tế dành cho các điêu khắc gia chuyên nghiệp. Đó cũng chính là những triển lãm đồ án tiêu biểu thu hút người xem do chính sinh viên ngành Thiết kế đồ họa đảm nhiệm. Đó còn là những show diễn thời trang chuyên nghiệp “chiếm sóng” báo, đài… của sinh viên ngành Thiết kế thời trang.
Mô hình học tập để sinh viên chủ động “dấn thân” với nghề là chiến lược đào tạo của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Chiến lược này thể hiện rõ nét tại các triển lãm, show thời trang suốt thời gian qua. Các sự kiện của sinh viên trường luôn dành được sự chú ý, quan tâm và công nhận bởi cộng đồng nghệ sĩ và người xem. Thông qua các cuộc thi, triển lãm, show diễn, sinh viên được “tỏa sáng”, thể hiện thực lực và thành quả học tập của mình người xem với vai trò nhà thiết kế, nhà điêu khắc trẻ thực thụ.
Ngô Hoàng Ngân (Lớp 19TT2, Chủ nhiệm CLB Thời trang, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: “Yếu tố sáng tạo, tính ứng dụng, tính mới trong các sản phẩm của sinh viên luôn được đánh giá cao. Theo cảm nhận của em, sản phẩm thời trang nói riêng và sản phẩm thiết kế mỹ thuật nói chung chính là những sản phẩm thiết yếu của cuộc sống”.
Hàng năm, sinh viên khoa Thiết kế mỹ thuật được thể hiện bản thân trong vô vàn các hoạt động phong trào náo nhiệt của khoa, của trường cũng như các hoạt động ngoài trường, trong đầy đủ các lĩnh vực từ sáng tác, thực hành nghệ thuật tới các hoạt động ngoại khóa như các lớp MC, hoạt động thể thao hay các hoạt động thiện nguyện hướng tới cộng đồng. Đồng thời, sinh viên của khoa còn có cơ hội trau dồi, cập nhật kiến thức mới tại các talkshow, các buổi hội thảo chuyên ngành…
Trải nghiệm phương pháp học tập lý thuyết gắn cuộc sống
Với thế mạnh đa ngành nghề, đặc biệt về kiến trúc, khoa Thiết kế mỹ thuật đang từng bước khẳng định mình trong ngành mỹ thuật ứng dụng. Gắn thiết kế mỹ thuật với tầm nhìn của thiết kế kiến trúc chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt trong quá trình học tập của sinh viên khoa Thiết kế mỹ thuật, và chỉ có tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
ThS-NĐK Phạm Thái Bình (Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa Thiết kế mỹ thuật) cho biết minh chứng rõ nhất cho định hướng đúng đắn của nhà trường trong đào tạo sinh viên chuyên ngành mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng chính là để mỹ thuật đi vào cuộc sống, với sự phối hợp của kiến trúc sư – nhà điêu khắc/họa sĩ (2 trong 1).
Mô hình học tập “2 trong 1” còn được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động lý thuyết luôn đi đôi với thực hành, sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh thực tế của xã hội. Toàn bộ 3 chuyên ngành của khoa đều được đào tạo theo phương pháp này, cùng với các xưởng thực hành được đầu tư đầy đủ dụng cụ và máy móc, với không gian học tập “mở rộng, sinh viên được thầy cô hướng dẫn thực hành, “truyền lửa nghề” ngay tại chỗ. Tại đây, sinh viên được thầy cô gợi mở, khuyến khích, tạo điều kiện phát huy tối đa sự sáng tạo, tư duy thiết kế, các kỹ năng nghề quan trọng khác.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã và đang thực hiện triển khai liên kết với các chương trình đào tạo, giảng dạy thiết kế mỹ thuật với các trường đại học quốc tế, tạo nên nhiều lợi thế học tập cho sinh viên. Đồng thời trường cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều nhãn hàng, công ty, doanh nghiệp… Các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng khoa trong quá trình đào tạo, mở ra các cơ hội nghề nghiệp, hỗ trợ sinh viên trong các giờ thực hành, đồ án thực tập, tổ chức trình diễn, Triển lãm và các hoạt động nghề nghiệp khác.
Tại các buổi chấm đồ án, các buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, ngoài việc đón nhận các góp ý tận tình từ phía thầy cô trong khoa, sinh viên còn “nhận về” rất nhiều chia sẻ, bình luận từ các chuyên gia, các nhà thiết kế, nhà điêu khắc, các kiến trúc sư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước. Không ít sinh viên của khoa ngay trong các buổi chấm đồ án đã được phía doanh nghiệp công nhận về giá trị của tác phẩm, đồng thời ký kết những hợp đồng thiết kế với tác giả của các bộ sưu tập.
Năm 2023, khoa Thiết kế mỹ thuật mở rộng đối tượng tuyển sinh, gồm 2 khối H00 và H02 (thay vì chỉ có khối H00 như trước), kết hợp với điểm thi năng khiếu. Điều này càng chứng minh sự phát triển của các ngành thiết kế mỹ thuật với đời sống xã hội hiện đại, đồng thời gia tăng cơ hội cho các thí sinh yêu thích, đam mê mỹ thuật ứng dụng, có cơ hội trở thành một nghệ sĩ thực thụ trong tương lai.
MINH MINH
Nguồn: VTC