Nằm trong chương trình Workshop & Triển lãm nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connecting lần thứ 6, chiều nay (21/10), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Phát huy sáng tạo nghệ thuật và đào tạo mỹ thuật ứng dụng thúc đẩy hội nhập quốc tế”.
Sự kiện quy tụ gần 50 bài tham luận, của các nhà khoa học đến từ các trường đại học quốc tế như: Pháp, Mỹ, Nhật, Thái Lan; các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo trong nước như: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Đại học kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Hùng Vương, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Hutech University Tp Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh…
Hội thảo có sự góp mặt của 8 nghệ sĩ quốc tế, hơn 50 nhà khoa học trong nước.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS. TS. Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; TS. Lê Chiến Thắng (Viện Trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế); TS. Nguyễn Thái Huyền (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế); PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương (Trưởng Khoa Nội thất); Ths. Trần Thị Thu Thủy (Phó Trưởng Phòng Khoa học công nghệ); TS. Phạm Thái Bình: Trưởng khoa Thiết kế mỹ thuật cùng các thầy cô là giảng viên của Khoa Thiết kế mỹ thuật.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, PGS. TS. Lê Quân nhận định, những bài tham luận gửi về Hội thảo được Ban tổ chức tập hợp, đánh giá là những nghiên cứu có giá trị, có ý nghĩa thực tiễn gắn với các vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực sáng tác, đào tạo mỹ thuật. Một số tham luận còn chỉ ra giải pháp tích cực cho việc đào tạo thiết kế mỹ thuật kết nối, lan tỏa, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Chương trình có sự góp mặt của nhiều tác giả là các tiến sĩ, giáo sư uy tín trong và ngoài nước, với mong muốn tạo ra diễn đàn khoa học trao đổi, nhận định, đánh giá, định hướng về việc sáng tác nghệ thuật và đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo còn nhằm hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Thiết kế mỹ thuật nói riêng và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói chung – điểm đặc biệt mà hầu hết các trường đào tạo mỹ thuật khác chưa hoặc rất khó làm được, hiện nay. Đặc biệt, các bài viết tham dự Hội thảo sẽ được xuất bản và tính điểm Nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia.